[Serial] Chuyện Học Hè Của Trẻ| (Phần 3) Ai Đã Tước Mất Mùa Hè Của Con?
Bạn có đang cảm nhận gió hè, nắng hè, mùa hạ đang đến rất gần?
Đối với các em học sinh, mùa hè là mùa nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích của lứa tuổi học trò sau 10 tháng học tập vất vả, nhọc nhằn với thi cử. Nhiều phụ huynh thấu hiểu được áp lực bài vở của con nên thời gian hè để chúng vui chơi thỏa thích cùng bạn bè, nếu có điều kiện thì cho con đi du lịch, về quê thăm ông bà,…Mặc dù cuối năm học, nhà trường, thầy cô giáo gợi ý các em nên đi học hè củng cố kiến thức để chuẩn bị tốt cho sang năm nhưng nhiều bậc phụ huynh cho rằng điều này không cần thiết. Bởi họ chỉ mong các con luôn được thoải mái, có sức khỏe tốt, còn việc học hành cũng rất quan trọng nhưng những ngày hè mà bắt con học xuyên suốt nhiều lúc cũng lợi bất cập hại.
Thế nhưng, bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh lại không suy nghĩ như thế. Họ coi trọng việc học tập, điểm số, bằng cấp, việc làm của con sau này. Do đó, họ luôn giám sát, theo dõi gắt gao, ép buộc con cái học tập quá mức. Trước áp lực, sức ép của ông bà, cha mẹ như thế, các em phải bắt buộc nghe theo dẫu vẫn luôn mong mỏi về một mùa hè được nghỉ ngơi, vui chơi trọn vẹn. Nhiều phụ huynh cũng thấu hiểu được rằng việc bắt con học hè là gây áp lực cho con, là không tốt, song lại có nhiều lý do khiến họ không thể nào làm khác được. Vì quá bận rộn với công việc, không có thời gian chăm sóc con cái, giám sát việc học của con, lại sợ con bị bạn bè lôi kéo, va vào các tệ nạn xã hội, nên cách tốt nhất là cho con đi học hè, vừa an toàn vừa được chữ nào hay chữ đấy. Nhiều phụ huynh có con học tiểu học với tâm lý sợ nghỉ lâu dài suốt 2 3 tháng con sẽ rơi rụng kiến thức, khi vào học sẽ không theo kịp bạn bè nên sau khi tổng kết, đã đăng ký ngay cho con học thêm hè Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh tại nhà thầy cô. Đối với những học sinh THCS, THPT mùa hè chỉ kéo dài 1 đến 2 tuần, sau đó các em lại phải tiếp tục hành trình tri thức của mình, đặc biệt là giai đoạn vượt vũ môn của các em học sinh cuối cấp lớp 9 và lớp 12. Như vậy vừa kết thúc năm học, còn chưa kịp nghỉ hè các em đã phải lao vào học kỳ 3 ngán ngẫm. Liệu có ai hỏi rằng, trong số đó, có bao nhiêu em học sinh tự nguyện và bị ép buộc từ bỏ những ngày hè vui chơi giải trí để đua nhau đi học hè, học thêm tu bổ kiến thức? Ngay từ những năm tháng tiểu học, lúc mới chập chững vào đời, các em đã bị tướt đoạt tuổi thơ, không được phát triển tự nhiên và bị nhồi nắn theo cái khung ước vọng của cha mẹ. Phải chăng chính cha mẹ là người đã tước đi mùa hè của các em? Hay nền giáo dục của nước nhà đang khiến các bậc phụ huynh và các em lao vào vòng xoay tri thức?
Kỳ nghỉ hè truyền thống 3 tháng dần đi đâu mất khi Bộ giáo dục quy định mùa hè rút ngắn xuống còn 2 tháng. Thời gian không có nhiều, khi bạn bè xung quanh ai cũng đua nhau học thêm thì các em cũng phải học để theo kịp bạn bè. Được bao nhiêu ngày các em được tận hưởng mùa hè trọn vẹn ý nghĩa bên gia đình – cái nền mống nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ khi mà cha mẹ lại không được nghỉ hè, không có thời gian cho con? Trách nhiệm không thể chỉ quy về cho quý phụ huynh mà là trách nhiệm của toàn xã hội, của nền giáo dục và tất cả chúng ta. Nhưng là các bậc cha mẹ, khi không thể thay đổi xã hội, điều duy nhất chúng ta có thể làm là dành nhiều thời gian hơn cho con.
Trước hết, quý phụ huynh cần tạo môi trường và dẫn dắt trẻ đến các khu vui chơi, giải trí, đưa trẻ đến các hoạt động như: học các môn năng khiếu, thể thao, học thêm một ngoại ngữ mới, khuyến khích các em đọc sách báo, tham gia sinh hoạt xã hội, các tổ chức tình nguyện,…những điều ấy vừa nuôi dưỡng tri thức, vừa nuôi dưỡng tâm hồn. Có thể mùa hè 1 hay 2 tháng hiện tại đối với quý phụ huynh là quá nhiều nhưng so với cả cuộc đời, cả tương lai của con thì lại là một thời gian quá ngắn. Dù ngắn ngủi nhưng đó là khoảng thời gian lấp đầy những không gian trống trãi trong tâm hồn các em một cách hữu hiệu nhất. Nhìn các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn, tranh thủ thời gian hè thay vì đi học thêm như các bạn, các em phụ giúp gia đình, cày cuốc, chăn nuôi, các em học sinh nghèo ở thành thị phải bán báo, đánh giày,…khiến người khác phải nghẹn ngào cảm xúc. Nhưng cũng chính những việc làm đó đã giúp các em biết và yêu lao động, gắn bó hơn với gia đình, trải nghiệm với cuộc sống xung quanh. Chính vì lẽ đó, nhân dịp hè đến có nhiều thời gian, nhiều thầy cô, nhiều phụ huynh đã lập nên các lớp học tình thương chia sẽ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. Đó mới chính là những lớp học hè ý nghĩa, trọn vẹn nhất cần được giữ gìn và phát huy.
Tóm lại, để có một mùa hè ý nghĩa, bổ ích cho các em, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm, mối bận tâm của xã hội, của thầy cô và đặc biệt là của chính các bậc cha mẹ. Không thể quy trách nhiệm cho riêng ai đã giữ gìn hay tước đoạt mùa hè tuyệt vời của các em, bởi gia đình, nhà trường và xã hội luôn được gắn chặt với nhau bằng sợi dây trách nhiệm, sợi dây đó dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào cách nuôi dưỡng của chúng ta. Là các bậc cha mẹ, dù giàu hay nghèo, đừng bao giờ nói không với thời gian dành cho con cái bởi mùa hè là thời gian các em rất cần được bù đắp về tinh thần, đừng tước mất tuổi thần tiên của các em chỉ vì những toan tính thiệt hơn, tham vọng của chính bản thân mình. Hãy để tâm hồn các em được trưởng thành qua từng mùa nắng hạ đẹp nhất.
++>> Tham khảo chương trình KHUYẾN MÃI gia sư dạy kèm tại nhà tại trung tâm gia sư tại tphcm trực thuộc Gia Sư Trí Việt. Click xem ngay!
Bài viết này nằm trong [Serial] Chuyện Học Hè Của Trẻ – Serial nói lên quan điểm, suy nghĩ cũng như góc nhìn về cách dạy con trong mùa hè. Chúng tôi mong muốn rằng, với những chia sẽ từ góc nhìn khách quan từ loạt serial này sẽ giúp quý phụ huynh có thể chọn cho con một mùa hè thật ý nghĩa. Nếu bạn là một blogger hay các gia sư dạy kèm tại nhà hoặc đơn giản là những phụ huynh có ý muốn chia sẽ những ý kiến, kinh nghiệm của mình về việc giáo dục trẻ, vui lòng comment hoặc gửi bài viết phản hồi về chúng tôi qua email admin@giasutriviet.edu.vn. Mọi ý kiến đóng góp của quý độc giả sẽ được chúng tôi biên soạn và xuất bản trong các bài viết tiếp theo.
Nguồn: https://giasutriviet.edu.vn/ai-da-tuoc-mua-he-cua-con.html